Many question marks remain open about divestment of State capital at PVM
Tại ĐHCĐ bất thường của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí PV Power (HoSE: POW), ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT POW tiết lộ: “Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản, nghị quyết về việc thoái vốn tại Công ty CP Máy Thiết bị Dầu khí (PVmachino, UPCoM: PVM), nếu chưa hoàn thành trong năm 2020 thì tiếp tục triển khai trong năm 2021”.
Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế
PVM sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam. Các đối tác trong liên doanh đều là những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất máy móc như Showa, Nippon Seiki, FCC, Asia Honda Motor và Itochu Coporation. Các liên doanh này chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các khách hàng lớn BMW, Honda, Harley Davidson…
Hoạt động của 3 công ty liên doanh nói trên đều rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho PVM thu nhập tài chính từ cổ tức tiền mặt đều đặn: Năm 2016, PVM thu được 100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia; năm 2017 là 84 tỷ đồng; năm 2018 là 80 tỷ đồng và năm 2019 là 81,3 tỷ đồng. Khoản tiền này của 9 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 83 tỷ đồng. Như vậy, nếu định giá đơn giản theo phương pháp P/E, thì chỉ riêng phần vốn góp trong 3 liên doanh của PVM cũng có giá trị lên tới 800-1.000 tỷ đồng, ngang ngửa với vốn hóa hiện tại của PVM.
Ngoài ra, PVM quản lý và sử dụng nhiều bất động sản ở vị trí đắc địa, như 1.828 m2 đất tại số 8 Tràng Thi -Hoàn Kiếm (Hà Nội). Theo báo cáo thường niên 2019, lô đất này đã hết hạn cho thuê từ 10/2016, nhưng đến thời điểm công bố báo cáo thường niên, vẫn chưa hoàn tất thủ tục gia hạn hợp đồng thuê với TP.Hà Nội. Tuy nhiên, quyền ưu tiên được ký hợp đồng thuê tiếp lô đất của PVM vẫn còn nguyên giá trị.
Lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội) gồm nhà và quyền sử dụng đất không có thời hạn, được ghi nhận trong báo cáo tài chính của PVM với giá trị bằng 0 (nguyên giá là 17,5 tỷ đồng nhưng đã khấu hao hết theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019). Địa điểm này được đánh giá cao về tiềm năng phát triển dự án bất động sản.
PVM còn có quyền sử dụng đất vô thời hạn tại thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phưởng Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội và liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hồ Gươm Plaza- Hàm Cá Mập). PVM cũng sở hữu 10% vốn góp (giá trị ghi sổ 81,7 tỷ đồng) tại Dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp-KĐT Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội)…
Hệ sinh thái “ăn lên làm ra”
Không chỉ PVM mà các doanh nghiệp trong hệ sinh thái PVM ở Sài Gòn, Đà Nẵng… cũng là những “viên ngọc” tiềm ẩn. Trong đó, Công ty CP Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) là một đại lý rất lớn của hãng ô tô Mitsubishi tại Việt Nam. Năm 2019 Daesco đạt doanh thu 806 tỷ đồng, tương đương với sản lượng xe bán ra là 1.356 xe, trong đó riêng dòng xe Xpander bán ra ở hai trung tâm kinh doanh ô tô Mitsubishi tại Huế và Đà Nẵng đạt xấp xỉ 480 tỷ đồng chiếm 60% tổng doanh thu bán xe. Không những vậy, Daesco nắm trong tay các miếng đất: 218,8m2 ở 53 Trần Phú, Hải Châu–Đà Nẵng; 1.806,8 m2 ở 51 Phan Đăng Lưu, Q.Hải Châu- Đà Nẵng, hiện nay đang được sử dụng làm showroom ô tô (thời hạn 50 năm); 3.241,6 m2 ở 495 Nguyễn Lương Bằng Đà Nẵng…
Ngoài ra, giá trị thị trường ước tính của các tài sản vốn góp liên doanh của PVM trong các công ty trong hệ sinh thái PVM có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách chỉ vào khoảng hơn trăm tỷ đồng.
PVM đang từng bước cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh, cải thiện hiệu quả hoạt động với định hướng tập trung vào lĩnh vực thương mại kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao, nâng tỷ trọng lĩnh vực đại lý phân phối và cung cấp thiết bị, phụ tùng cho các hãng OEM trong và ngoài nước. Cuối năm 2019, PVM đã trở thành nhà phân phối chính thức thiết bị điện nhẹ của của Tập đoàn Siemens tại khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar…
Tránh thất thoát vốn Nhà nước
Với những tiềm năng hấp dẫn của PVM, nhiều cổ đông, nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về việc nếu POW thoái vốn tại PVM thì sẽ thoái vốn nhà nước qua khớp lệnh hay sẽ tiến hành đấu giá công khai? Ngoài ra, các tài sản vốn góp liên doanh và bất động sản của PVM (và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái PVM) được định giá ra sao?…
Tại ĐHCĐ bất thường của POW vừa qua, ông Hồ Công Kỳ cho biết POW sẽ tiến hành thoái vốn tại PVM một cách công khai, minh bạch, đồng thời nghiên cứu tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư PVM để cho các nhà đầu tư quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, chia sẻ nói trên của ông Hồ Công Kỳ vẫn còn rất chung chung, chưa thể đảm bảo việc thoái vốn của POW tại PVM sẽ được diễn ra một cách công khai, minh bạch, cũng như chưa đảm bảo việc định giá đúng các tài sản của PVM để tránh thất thoát vốn nhà nước khi thoái vốn tại doanh nghiệp này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ các đợt thoái vốn tại g các DNNN nói chung và PVM nói riêng để tránh xảy ra thất thoát vốn nhà nước, nhất là khi PVM sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như hiện nay.
Trên thị trường đã có nhiều đồn đoán về việc có nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư lớn đang nhòm ngó nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước sắp thoái vốn trọn lô. Theo đó, những cổ phiếu này nói chung và PVM nói riêng được dự báo sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư cũng cần thận trọng trước những cổ phiếu này để có quyết định đầu tư phù hợp.