PV Machino (PVM) lợi nhuận 2021 đạt kỷ lục 9 năm (từ 2012 đến nay)
(thitruongtaichinhtiente.vn) – Công ty cổ phần Máy Thiết bị dầu khí PV Machino (mã chứng khoán PVM) công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận năm 2021 đạt 55 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2012.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất, tại ngày 31/12/2021, công ty có 65,4 tỷ tiền mặt, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 131,3 tỷ đồng, trong đó có 108 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, giảm 44,5% so với đầu năm và xuất hiện 25 tỷ chứng khoán kinh doanh.
Năm 2021, công ty cũng xuất hiện một số khoản phải thu mới như 32,8 tỷ đồng (Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội); 49 tỷ đồng (Công ty cổ phần Stavian Hoá chất); 33,7 tỷ đồng (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Bình Phát); 23,9 tỷ đồng (Công ty TNHH MV Thuận Phát Hải Dương). So với năm trước, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm 51,3 tỷ đồng xuống còn 163,2 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn vẫn giữ nguyên 184,9 tỷ đồng như cũ.
Quý IV/2021, công ty đạt doanh thu hợp nhất 377,2 tỷ đồng, tăng 92% so với quý IV/2020, doanh thu hoạt động tài chính 6,8 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ, chi phí bán hàng là 12,6 tỷ đồng, giảm 13%. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2021, PVMachino đạt doanh thu hợp nhất 840 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2020. Doanh thu hoạt động tài chính là 71,9 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2020. Chi phí bán hàng 37,3 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí quản lý doanh nghiệp 31,4 tỷ đồng giảm 35% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 55 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2020 và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ 2012 đến nay.
PV Machino có vốn điều lệ 386 tỷ đồng, là doanh nghiệp có bề dày thương hiệu hơn 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng vật tư. Từ sau khi nhà nước thoái vốn, công ty đã đẩy mạnh việc cải thiện quản trị, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Hiện nay ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SHS đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.
PV Machino có lợi thế lớn là vốn góp trong 3 liên doanh gồm 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Hitachi Astemo Hà Nội (với tổng giá trị sổ sách chỉ là 98 tỷ đồng). Các đối tác trong liên doanh đều là những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất máy móc như Showa, Nippon Seiki, FCC, Asia Honda Motor, Itochu Coporation, chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các khách hàng lớn: BMW, Honda, Harley Davidson…. Hoạt động của 3 liên doanh rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho PV Machino thu nhập cổ tức tiền mặt đều đặn khoảng 70 – 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty quản lý và sử dụng nhiều bất động sản như: lô đất 1.827,69 m2 tại số 8 Tràng Thi (Hà Nội); lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội); thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội)…
Các công ty con, công ty liên kết của PV Machino ở Sài Gòn, Đà Nẵng… cũng có nhiều tiềm năng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) là một đại lý rất lớn của hãng ô tô Mitsubishi tại Việt Nam. Năm 2019, Daesco đạt doanh thu 806 tỷ đồng, tương đương với sản lượng xe bán ra là 1.356 xe. Daesco hiện đang quản lý sử dụng một số khu đất ở Đà Nẵng như 218,8m2 ở số 53 Trần Phú; 1.806,8 m2 ở số 51 Phan Đăng Lưu; 3.241,6 m2 ở số 495 Nguyễn Lương Bằng; 15.356 m2 ở số 10 Nguyễn Phục (Khu Công nghiệp dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng). Daesco cũng được nhà nước cho thuê đất với thời hạn 50 năm tính từ năm 2016 ở Khu đô thị mới Đông Nam Thụy An (Thừa Thiên Huế) để đầu tư xây dựng Mitsubishi Daesco Huế. Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên họp vào tháng 5/2021, PVMachino dự kiến lên kế hoạch thoái vốn tại công ty này. Với nhiều tiềm năng lợi thế như trên, có thể dự đoán khoản thoái vốn này có thể sẽ thu về lợi nhuận rất lớn cho PVMachino.