Tổng quan về thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam

Thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam là gì? Ưu điểm và hạn chế của loại thuế này tới doanh nghiệp Việt, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu. 

Thuế xuất nhập khẩu là gì 

Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm thuế xuất nhập khẩu, tuy nhiên để có cái nhìn khách quan nhất chúng tôi đưa ra khái niệm như sau: là một loại thuế gián thu nhằm thu các loại hàng hoá được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu là toàn bộ những vật cụ thể được mua bán, trao đổi, biếu tặng từ Việt nam ra các nước hay từ nước ngoài về Việt Nam.

Ưu điểm của pháp luật thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam 

Từ khi nước ta thực hiện các chính sách mở cửa hội nhập kinh tế thế giới đã mang lại nhiều cải thiện rõ rệt, đóng góp tích cực vào chính sách thuế xuất nhập khẩu chung của cả khu vực và thế giới.

Ưu điểm của pháp luật thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam được thể hiện cụ thể và rõ ràng như sau:

Thứ nhất, biểu thuế xuất nhập khẩu đã được xây dựng trên cơ sở danh mục của hội đồng hợp tác hải quan thế giới. 

Việc làm này đã tạo nên bước đầu thuận lợi cho việc phân loại hàng hoá dựa trên cấu tạo, đặc điểm của hàng hoá. Thông qua đó là góp phần làm cho chính sách thuế xuất nhập khẩu sẽ được phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, hệ thống chính sách cơ chế quản lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được cải tiến và nâng cấp theo xu hướng đơn giản, thông thoáng hơn, có tác động tích cực thúc đẩy sản xuất tăng nhanh, phục vụ tốt cho sản xuất đời sống người dân. Đồng thời kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng.

Thứ ba, khi thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam được ban hành đã mở rộng thị trường xuất khẩu hơn so với trước đây. Có thể nói rằng chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu đã có tác động tích cực trong việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. 

Qua đó, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần phát triển bảo vệ sản xuất trong nước, hướng dẫn tiêu dùng và tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Hạn chế của pháp luật thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam

Bên cạnh những ưu điểm của pháp luật thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam đã kể trên thì cũng có nhiều những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, hiện tại các văn bản liên quan tới quy định về thuế xuất nhập khẩu vẫn chưa rõ ràng minh bạch, doanh nghiệp còn bị động khi có sự thay đổi về thuế, chưa xác định được cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ hai, nhiều quy định về mức thuế xuất nhập khẩu theo phân loại hàng hoá hoặc theo xuất xứ làm cho biểu thuế phức tạp, dẫn tới nhiều mức thuế cho cùng một mặt hàng.

Thuế nhập khẩu bao gồm rất nhiều thứ thuế như: thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng cho nên thuế suất rất cao. Ví dụ cụ thể như bia từ 100-150%, ô tô từ 50%-200%. 

Tuy có thuận tiện là tập trung nhưng không phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ bị hiểu lầm là hạn chế hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Thứ ba, nhà nước ban hành nhiều biểu thuế và thuế suất cao, thấp sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng chứ không theo tính chất hàng hoá. Cho nên nhiều mặt hàng có cùng tính chất nhưng mục đích sử dụng lại khác nhau thì sẽ bị chênh lệch khá lớn về thuế. Ví dụ như: Xe đua(thuế suất 5%), xe đạp thường (70%), ôtô 4 chỗ (200%), xe cứu thương (0%)…Cho nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi gian lận thương mại, trốn thuế.

Thủ thuật quan trọng nhất để trốn thuế là hạ thấp giá trị hàng nhập khẩu để hạ thấp giá trị tính thuế hay hạ quy cách kê khai để hưởng mức thuế suất thấp hơn đã trở nên phổ biến với hàng hoá có đơn giá lớn và thuế suất cao như: xe hơi, rượu mạnh…

Điển hình là các doanh nghiệp nhập khẩu xe tải nhẹ nhưng nguỵ trang dưới hình thức là nhập khẩu xe đông lạnh chuyên dụng để trốn thuế từ 60% xuống còn 10% hay xe ôtô du lịch thì được lắp thêm đèn, còi thành xe cứu thương để được hoàn thuế.

Thứ tư, khi Việt Nam gia nhập WTO thì vấn đề duy trì hàng rào thuế xuất khẩu sẽ không đưa lại nguồn thu cho Ngân sách nhà nước. Đặc biệt là không khuyến khích hoạt động xuất khẩu.

Chính vì vậy, quy định thuế suất xuất khẩu ngoài mức 0% là cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế thương mại quốc tế. 

Thứ năm, các quy định về việc nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu hay phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, hoàn trả thuế xuất khẩu cũng còn hạn chế, bất hợp lý. 

Với biểu thuế từ 30%-40% cho những lô hàng nguyên liệu, phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, trong thời gian nộp thuế 30 ngày thì cơ sở sản xuất sẽ không đủ vốn để tạm ứng nộp thuế, vì khi nguyên liệu về, cơ sở phải lo triển khai sản xuất trong thời gian vài tháng thậm chí có lô kéo dài tới nửa năm.